AcDieu225
Co Vang Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Acdieu

Tẩu hỏa nhập ma;

BÀ BA PHẢI

Trong cái kho tàng kiến thức học lóm của tôi, tôi đã chứng minh nhiều lần với quí cụ là đời sống con người dựa trên hai nền tảng quan trọng nhất là tin và yêu. Cái hồi mà tôi viết cái luận án Tin Yêu, các cụ đón nhận rất ư là nồng nhiệt và cũng đồng ý với tôi là như vậy. Thế nhưng mấy hồi sau này, chả biết tôi bị cái con siêu vi trùng phải gió gì nó đốt, mà tôi lại đâm ra nghi ngờ tất cả mọi người. Tôi bèn đi một đường phân tâm học, thì mới vỡ lẽ ra rằng thì là, từ khi tôi bị cái bà trong nhà thờ chơi xấu, - qua cái vụ mời ăn ý mà - tôi đâm ra để bụng thù dai, thù vặt. Cho nên câu hát tủ của tôi bây giờ là: Anh biết tin ai bây giờ….? Trong cái bài hát gì của nhạc sĩ gì rất là nổi tiếng một thời.

Hơn nữa, tôi để cả một góc đời thơ ấu của tôi, làm học trò Bà Phước, mà thời thơ ấu của tôi lại là thời cực thịnh của Thực Dân cho nên Bà Phước toàn dạy tôi các điều luân lý giáo khoa thư của nước Đại Pháp. Cho nên tôi bị ảnh hưởng cái nền văn hóa Phú Lang Sa hơi bị kỹ. Tôi bèn tin rằng những người phản bội ta, bắt buộc phải là những người thân tín của ta. Người thân tín mới biết được những cái bí mật của ta ở đâu để mà đánh ta chứ, người ngoài làm sao chúng biết cái chỗ nào là cái chỗ chảy máu của ta mà chúng cứ nhè chỗ đó chúng phang? Nghe rất ư là có lý phải không cụ. Thấy tôi nói thế, chắc cụ tưởng rằng ra đời, tôi rất khôn ngoan, chẳng hề bị lừa, bị gạt, bị phản bội bao giờ. Cụ nghĩ thế thì cụ đề cao tôi quá mà cụ quên mất cái câu khôn nhà dại chợ. Thường thường những người tự cho là mình cái gì cũng biết, hóa ra lại chẳng biết cái gì. Nhưng mà trường hợp tôi lại thật là bị oan còn hơn là oan Thị Kính. Tôi biết thân biết phận, biết rằng mình ngu, mình dại, thế mà cũng không thoát được lưới Trời. Tôi chuyên môn bị anh em đâm thủng bụng, xổ cả gan lẫn ruột ra ngoài cả chùm. Cũng chỉ vì cái tật nhẹ dạ, cả tin, ai nói gì cũng tuởng thật. Không biết giờ này đã mở mắt ra chưa? Cho nên biết lý thuyết là một chuyện mà biết hành xử lại là chuyện khác.

Cụ cử thứ đặt chân của cụ vào trong đôi giầy của tôi, - cái kiểu ví von này là lai căng đấy, còn tiếng Nôm của mình thì giản dị là, cụ thử đặt cụ vào hoàn cảnh, địa vị của tôi xem -cụ sẽ thấy cái khổ của tôi. Hai lý thuyết sống đời của tôi nó đối nghịch với nhau như thế thì làm gì tôi chẳng bị tàu hỏa nhập ma cơ chứ. Giáo lý của tôi dạy rằng sống ở đời là phải tin nhau, yêu nhau, yêu người. Trong khi đó, thì mấy tên Phú Lang Sa lại bảo, mày tin thằng nào, mày yêu con nào, là mày phải liệu cái hồn mày. Chúng sơi tái mày lúc nào không biết đấy. Như vậy thì tôi hỏi cụ, chả cất tiếng ca Anh biết tin ai bây giờ, thì còn làm gì được nữa?

Đã thế tôi lại là một đứa thích đọc sách mà lại chẳng hiểu được bao nhiêu điều viết trong sách, cho nên lại càng bị tàu hỏa nhập quỉ thêm một lần nữa. Cũng đại khái giống như là trường hợp con cháu nội của tôi, chưa biết viết mà lại đòi viết sách. Còn tôi thì đọc chưa thông mà sách nào cũng đọc. Cho nên giờ này đây mới không biết đằng nào mà lần. Hết đổ tội cho ma lại đổ vạ cho quỉ. Hóa ra cái bệnh lớn nhất mà tôi mắc phải là thiếu thận trọng và chủ quan. Chỉ cần mắc một trong hai cái bệnh này, đã đủ làm cho tôi té u đầu sứt trán huống chi tôi mắc cả hai. Chết cũng là đúng quá rồi. Còn than thân gì nữa.

Những tôi có một điều thắc mắc mà giờ này vẫn chưa giải đáp được, là các anh nhà văn, viết những cuốn sách được phép có mặt trong thư viện trường bà Phước, không biết ăn phải cái giống gì, lấy kinh nghiệm ở đâu, học hỏi theo trường phái nào, mà các anh ấy ca tụng tình bạn qua xá lẽ mình như thế. Các anh ấy bảo rằng, khi ông đang lên như diều thì cả nước là bạn ông, nhưng khi ông đứt dây, thì lúc đó ông mới có thể biết ai bỏ đi, ai ở lại với ông. Người ở lại là bạn ông đấy. Cái điều này cũng dễ hiểu, và cũng chấp nhận được đi. Nhưng khi các ông ấy bảo rằng, khi cả nước bỏ rơi ông, ngay cả vợ/chồng, anh em cũng bỏ ông, lúc đó chỉ có duy nhất bạn ông ở lại an ủi, vỗ về ông thôi. Cái này thì xin lỗi cụ, chứ nhẹ dạ, cả tin, như tôi mà tôi còn phải uýnh một cái dấu hỏi to tướng trong im lặng, chứ không dám nói ra miệng, sợ mấy mụ bạn tôi chúng nó chửi.

Một hôm tôi dại dột đi tâm sự câu này với một mụ bạn thân nhất của tôi. Nó bèn lên lớp tôi một trận tơi bời, bằng một thứ ngôn ngữ không hề có trong tự điển, nói bảo tôi rằng, cái mặt mày sáng sủa mà sao cái đầu mày tối tăm thế. Chẳng qua là ở đời người ta hiểu lầm chữ bạn, lạm dụng chữ bạn, dùng sai chữ bạn. Bất cứ người nào, chẳng quen, chẳng thân, chỉ biết mặt biết tên mà đã nhận là bạn rồi, thì mày bị chúng đâm sau lưng, chúng đấm trước mặt là đáng đời mày rồi. Mày phải biết rằng ở đời được một tri kỷ đã là nhiều rồi nghe chưa? Ơ hơ cái con này nó thuổng cái điển tích này của ông Xã Xệ mà lại còn dám đổi đi một chữ. Hồi xưa khi ông còn sống, mỗi khi tôi than phiền là vừa bị độc giả chê, ông thường an ủi tôi là: ở đời được một mắt xanh đã nhiều. Mà sau khi làm tính cộng, tính trừ thì tính ra, tôi có nhiều người khen hơn người chê. Thành ra đừng có than mà phụ lòng trời. Tôi bèn dò dẫm thêm: thế mày có phải là bạn tao không? Thế ta ngã mày có đỡ không? Nó lườm tôi rồi dấm dẳn nói, mày nặng hơn ta cả chục pao, tao đỡ mày để cho tao gãy lưng ý à. Rồi ngoe nguẩy bỏ đi. Như thế thì cụ bảo nó có đáng được gọi là bạn tôi không? Xong rồi tôi lại tự đặt cho tôi câu hỏi: liệu tôi có là bạn nó không? Nó ngã tôi có nâng không hay là tôi cũng sợ gãy lưng như nó. Lưng nó còn nguyên lành chứ lưng tôi thì đã gãy hai ba lần rồi. Làm sao mà đỡ??

Sau đó tôi phải năn nỉ nó gãy lưỡi ra nó mới cho tôi cái định nghĩa này. Nó hắng giọng lia lịa rồi lên lớp: bạn là người chơi thân với ta, hiểu ý ta, nói cùng ngôn ngữ với ta, chia sẽ quan điểm với ta, đồng ý với ta trên một số vấn đề quan trọng, có cùng một giá trị đạo đức và văn hóa với ta, vui cái vui của ta, buồn cái buồn của ta, có thể chia sẻ may rủi với ta trong một vài trường hợp, đi cùng với ta một đoạn đường dài, có thể đỡ ta dậy khi ta ngã, và không bao giờ hại ta. Như thế là quá tốt rồi, còn nếu mày chờ đợi một người bạn sống chết vì mày, với mày, thì không thể. Vì nó còn phải có gia đình nó nữa chứ. Nó chết vì mày thì ai chết vì nó, ai nuôi nấng, chăm sóc chồng con nó. Không có lẽ khi là bạn với nhau, một đứa chết thì những đứa khác cùng chết theo cả chùm hay sao?

Con này có lý. Nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn bèn hỏi gắng một câu: thế bạn bè có nói xấu nhau không? Nó cười hì hì một cách rất khả ố: cái đó mày tự hỏi lòng mày. Mày có nói thì chúng cũng nói. Còn mày không nói thì chúng cũng không. Hiểu chưa. Hai nữa nói xấu nhau đâu phải là tội mà chỉ là tật thôi. Khiếp thật. Tôi mới đồng hành với mỗi một đứa, mà nó đã là sư của tôi rồi.
Thế mới biết, ở đời nhiều sư quá.

AcDieu

Tin Buồn

2014

01-2014

02-2014

TIME